Ngày nay cửa ải lớn nhất, chính là ở chữ “Tín” này. “Tín” đích thực là giới hạn sau cùng của hết thảy pháp thế, xuất thế gian, cũng chính là trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói: “Tín là mẹ của mọi công đức”. Tín tâm là gì? Là nguồn gốc chúng ta tu đạo, thành đạo. Nếu không có tín tâm, tất cả chẳng còn gì. Chiếc nôi của tất cả công đức, nó có thể sanh ra tất cả công đức, công đức của thế gian, xuất thế gian. Chữ tín này quan trọng biết bao…! Trong pháp môn Tịnh Độ, chúng ta có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc chăng? thân cận được Phật A Di Đà chăng? có thành Phật được ngay trong đời này chăng? mấu chốt đều ở chữ tín này, chúng ta có tín chăng? Tông Tịnh độ dùng ba chữ “Tín, Nguyện, Hạnh”.
Nhất định không được tham nhiều. Phải học cổ nhân, phải “Nhất Môn Thâm Nhập, Trường Thời Huân Tu”. Nếu muốn học, sau khi khai ngộ mới học, đây là phương pháp tương truyền từ ngàn đời của chư vị Tổ Sư. Chưa khai ngộ, không cho phép xem các kinh luận khác, thật sự đại triệt đại ngộ, thầy mới khai phóng. Đây là chân thiện tri thức, không phải là thầy giáo bình thường.
(Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Hòa thượng Tịnh Không)
Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:
“Tín vi đạo nguyên công đức mẫu,
Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn,
Tín năng siêu xuất chúng ma lộ,
Tín năng đắc nhập tam ma địa,
Tín năng giải thoát sanh tử hải,
Tín năng thành tựu Phật bồ đề.“
Nghĩa là:
Tín là khởi nguồn của đạo, là mẹ sinh ra các công đức
Tín có thể nuôi dưỡng tất cả pháp lành
Tín giúp thoát khỏi các đường ma
Tín đưa đến nhập sâu vào Tam-muội
Tín có thể đưa qua khỏi biển sanh tử luân hồi
Tín giúp thành tựu quả Chánh giác Bồ đề
Tín không phải là niềm tin mù quáng, mà chính là lòng tin tưởng chắc chắn sau khi đã tìm hiểu rõ nghĩa lý và áp dụng vào đời sống tu tập của mình, phải thật sự nhìn Phật giáo bằng cách tìm cầu chơn lý bên trong để xem tại sao ta phải nương theo giáo pháp ấy mà tu hành. Niềm tin có tri thức là niềm tin của chánh tín, tức đã hàm chứa chánh kiến và chánh tư duy; nó khác với sự mê tín, cuồng đạo.
Kẻ cuồng đạo, sùng tín mặc dù sống ngay trong chánh pháp cũng không thụ hưởng được hương vị giải thoát của đạo Phật. Tin tưởng mù quáng vào lời nói của Phật mà không tìm hiểu nghĩa lý là đi ngược lại với quan điểm của đạo Phật, ấy là điều mà đức Phật cũng đã từng khuyến cáo.